Bài viết đôi khi sẽ có những quy định mới chưa được cập nhật. Quý Khách vui lòng liên hệ Công ty Luật để được tư vấn cụ thể.

Công Ty Con Là Gì? Hồ Sơ Thủ Tục Thành Lập Công Ty Con

Công ty con là gì? Hồ sơ thủ tục thành lập công ty con có khó không? Quyền, trách nhiệm của công ty mẹ công ty con có quan hệ như thế nào?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khái niệm về công ty con không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế thì còn khá nhiều người chưa nắm được các quy định liên quan đến loại hình công ty con. Vậy Luật doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định như thế nào về công ty mẹ con? Trình tự thủ tục thành lập công ty con có gì khác biệt so với việc thành lập một doanh nghiệp thông thường?

Để giúp Quý Khách hàng hiểu rõ hơn công ty thành viên là gì? rõ hơn các quy định của pháp luật về công ty con cũng như quy trình hồ sơ thành lập công ty con, chúng tôi xin tổng hợp và hướng dẫn chi tiết trong bài viết sau.

Công ty con là gì? Quy trình thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam
Công ty con là gì? Quy trình thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam

1. CÔNG TY CON LÀ GÌ?

Tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về công ty mẹ, công ty con như sau:

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

– Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

– Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty con không được thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Các công ty con có cùng 01 (một) công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Căn cứ theo quy định trên có thể hiểu rằng công ty con là doanh nghiệp, trong đó một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ do một doanh nghiệp khác (công ty mẹ) nắm giữ và bị doanh nghiệp đó kiểm soát chiến lược kinh doanh.

2. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY MẸ CÔNG TY CON NHƯ THẾ NÀO?

– Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.

– Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.

– Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật doanh nghiệp phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.

– Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

– Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật doanh nghiệp do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.

3. TẠI SAO CẦN PHẢI THÀNH LẬP CÔNG TY CON?

Nếu đặt câu hỏi này với các doanh nghiệp nhỏ thì có thể chúng ta sẽ không thể nhìn thấy hết ý nghĩa của việc thành lập công ty con.

Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp lớn, các Tập đoàn đa nghề, đa lĩnh vực thì việc thành lập công ty con lại có ý nghĩa quan trọng và trở nên cần thiết. Điều này có thể thấy rõ ở các doanh nghiệp, tập đoàn có ngành nghề kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ.

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá rằng, việc thành lập công ty con phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, mong muốn và định hướng phát triển của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thành lập các công ty con nhằm mục đích có thể là duy trì chế độ sổ sách và chi phí riêng biệt; hạn chế trách nhiệm nếu phá sản; thuận lợi khi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như sau:

– Tách riêng thành các pháp nhân riêng biệt nhằm duy trì chế độ sổ sách và chi phí riêng biệt: Các Công ty con sau khi thành lập là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập so với công ty mẹ, có cơ cấu tổ chức, có tài sản riêng, và tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, các công ty con cũng được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, do đó, các công ty con là doanh nghiệp chịu sự được điều chỉnh bởi các quy định như: Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật đầu tư năm 2014, cũng như các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, và công ty con phải tuân thủ các quy định về kế toán, sổ sách,…

Vì vậy, việc thành lập công ty con sẽ cho thấy rõ ưu điểm là tách biệt nguồn vốn, khoản thu, chi phí, tài sản và sổ sách liên quan.

– Tách riêng phạm vi trách nhiệm của từng pháp nhân. Như đã đề cập ở trên, công ty con là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập. Vì vậy, trường hợp công ty con hoặc công ty mẹ phá sản, sẽ không ảnh hưởng đến công ty còn lại.

– Thuận lợi về mặt thủ tục trong trong hoạt động kinh doanh: Điều này sẽ thấy rõ ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Nếu thực hiện chuyển nhượng dự án đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn của công ty thực hiện dự án có có những điểm ưu việt hơn như: hồ sơ thủ tục chuyển nhượng, tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu các tranh chấp về các nghĩa vụ đối với các bên thứ ba; việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn dễ dàng hơn về mặt hạch toán, kế toán, thuế của công ty mẹ.

Tại sao cần thành lập công ty con
Tại sao cần thành lập công ty con

– Ngoài ra, cũng có nhiều công ty, tập đoàn vì muốn tạo ra sự cạnh tranh trong nội bộ doanh nghiệp, tập đoàn để thúc đẩy phát triển kinh doanh mà sẵn sàng thành lập các công ty con. Việc các doanh nghiệp trong nội bộ cạnh tranh sẽ giúp cho các công ty con nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả, mang về nhiều lợi nhuận hơn.

4. QUY TRÌNH THÀNH LẬP CÔNG TY CON THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Về bản chất, công ty con là một doanh nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài sản và chịu trách nhiệm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, quy trình thủ tục thành lập công ty con không có sự khác biệt so với quy trình thành lập công ty cổ phần, thành lập doanh nghiệp thông thường. Việc thành lập công ty con cũng phải trải qua các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị các thông tin trước khi thành lập doanh nghiệp

Như đã đề cập và phân tích ở trên, công ty con là doanh nghiệp theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014, do vậy khi thành lập cần phải chuẩn bị các thông tin như sau:

Về trụ sở công ty: Doanh nghiệp phải đảm bảo có trụ sở chính theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp 2014.

Theo đó địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bao gồm các thông tin: số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Trên thực tế Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh trụ sở mà người thành lập doanh nghiệp phải cam kết về trụ sở của mình là hợp pháp.

Về loại hình công ty con: Tùy vào mục đích và nhu cầu, khi thành lập công ty con Quý Khách hàng có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp như sau: Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh.

Về Tên Công ty con: Việc đặt tên công ty con phải đảm bảo phù hợp quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 42 của Luật doanh nghiệp năm 2014.

Theo đó, tên công ty con dự kiến thành lập không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với các tên đã có. Thông thường, các khách hàng thường đặt tên doanh nghiệp theo sở thích hoặc có liên quan đến ngành nghề hoạt động kinh doanh của công ty mà không tự kiểm tra được là tên có gây trùng hay nhầm lẫn và có khả năng đăng ký được hay không.

Về vốn điều lệ khi thành lập công ty con: Luật doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định vốn điều lệ là thông tin bắt buộc cần phải có nhưng lại không có quy định cụ thể mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa đối với các loại hình doanh nghiệp.

Phụ thuộc ngành nghề kinh doanh mà khi thành lập công ty con có thể phải đáp ứng điều kiện về vốn tối thiểu nhất định. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì vốn điều lệ do doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.

Về ngành nghề kinh doanh của công ty con: Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, cá nhân, tổ chức được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do đó, căn cứ vào mục tiêu hoạt động, doanh nghiệp kê khai các ngành nghề trong bộ hồ sơ đăng ký. Đối với một số ngành nghề nhất định, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ thành lập công ty con

– Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp (tùy loại hình doanh nghiệp dự kiến thành lập mà sử dụng mẫu theo quy định của Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT);

– Điều lệ công ty: Điều lệ công ty con phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp năm 2014.

– Với các công ty con là công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần thì cần phải chuẩn bị danh sách thành viên, cổ đông

– Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ quy trình thành lập doanh nghiệp con còn tùy thuộc và loại hình của công ty mẹ, ví dụ:

  1. Công ty mẹ là công ty TNHH 01 thành viên thì khi thành lập công ty con phải có quyết định về việc cử người góp vốn quản lý vào công ty con của chủ sở hữu
  2. Công ty mẹ là công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì phải có quyết định về việc cử người góp vốn quản lý công công ty con của Chủ tịch Hội đồng thành viên
  3. Công ty mẹ là công ty cổ phần phải có quyết định về việc cử người góp vốn quản lý công ty con của Hội đồng quản trị

Lưu ý: Người được công ty mẹ cử làm đại diện góp vốn vào công ty con không bắt buộc phải là thành viên hoặc cổ đông trong công ty mẹ.

– Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục thành lập công ty con trong trường hợp người thực hiện thủ tục không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục thành lập công ty con, cần chuẩn bị các tài liệu nộp kèm bộ hồ sơ như sau:

  1. Bản sao y công chứng chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các thành viên trong công ty;
  2. Bản sao y công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty mẹ;
  3. Bản sao y công chứng chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người được công ty mẹ cử góp vốn và quản lý công ty con.

Lưu ý: Đối với chứng minh nhân dân thì phải còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật là không quá 15 (mười năm) năm. Các bản sao photo có công chứng không được quá 06 tháng so với thời điểm nộp hồ sơ.

Bước 3: Nộp hồ sơ thành lập công ty con tại cơ quan có thẩm quyền

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty con dự định đặt trụ sở.

Thời gian cấp giấy phép cho công ty con: Sau 03 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ hợp lệ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thì doanh nghiệp sẽ được nhận Giấy phép kinh doanh công ty con.

Bước 4: Nhận kết quả thực hiện thủ tục

Trên cơ sở việc kiểm tra hồ sơ thành lập công ty con mà Quý Khách hàng đã nộp, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét, cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì sẽ thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho doanh nghiệp.

Bước 5: Thực hiện các công việc cần thiết sau khi thành lập

Nếu mới chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì là chưa đủ để công ty con có thể hoạt động. Vì vậy, sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các công ty con cần phải thực hiện các thủ tục sau:

  1. Khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu: Theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 96/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức và số lượng con dấu, miễn phải đảm bảo con dấu phải thể hiện tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Sau khi khắc dấu xong, để sử dụng, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu theo mẫu tại Phụ lục II-8, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT.
  2. Treo biển doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, kế toán; đăng ký áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng khấu trừ, kê khai và nộp thuế môn bài tại cơ quan thuế quản lý, mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng với phòng đăng ký kinh doanh, nộp thuế điện tử, in và đặt in hóa đơn,…
  3. Bổ sung các giấy phép kinh doanh, các điều kiện cần thiết khi kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
  4. Các thủ tục khác liên quan đến lao động, bảo hiểm,…
Dịch vụ tư vấn thành lập công ty con uy tín
Dịch vụ tư vấn thành lập công ty con uy tín

5. DỊCH VỤ THÀNH LẬP CÔNG TY CON THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Chúng tôi là đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ doanh nghiệp, dịch vụ thành lập công ty con như:

  1. Tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý có liên quan đến công ty con như: tên công ty, địa chỉ trụ sở, ngành nghề kinh doanh, thủ tục, đề án thành lập công ty cổ phần, thành lập công ty con và các lưu ý khi thành lập;
  2. Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty con bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký thành lập biên bản góp vốn, điều lệ công ty, thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu, thông báo tài khoản ngân hàng,…
  3. Đại diện Quý Khách hàng nộp hồ sơ thành lập công ty con, nộp hồ sơ thông báo mẫu con dấu, mở tài khoản ngân hàng, hồ sơ thông báo tài khoản ngân hàng,…theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết hồ sơ;
  4. Tư vấn các vấn đề pháp lý sau khi thành lập và trong quá trình hoạt động kinh doanh như: việc tổ chức nội bộ, cơ cấu tổ chức, vấn đề về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm, hợp đồng phục vụ hoạt động kinh doanh,…

Là đơn vị được nhiều Quý Khách hàng đánh giá là đơn vị uy tín, vì vậy chúng tôi cam kết các nội dung tư vấn là phù hợp theo quy định của pháp luật, việc triển khai thực hiện thủ tục nhanh chóng. Đối với các khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ và các khách hàng quen thuộc, chúng tôi miễn phí tư vấn các vấn đề phát sinh và/hoặc tặng dấu chức danh cho Quý Khách hàng.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp Quý Khách hàng nắm được công ty mẹ là gì? quy định như thế nào là công ty con, quy trình thủ tục thành lập công ty con theo quy định của pháp luật. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Nhóm Chia Sẻ Ngành Luật, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ.



Mô Tả Ngắn Bài Viết Công Ty Con Là Gì? Hồ Sơ Thủ Tục Thành Lập Công Ty Con

Công ty con là gì? Hồ sơ thủ tục thành lập công ty con có khó không? Quyền, trách nhiệm của công ty mẹ công ty con có quan hệ như thế nào? (Hãy đọc toàn bộ bài viết Công Ty Con Là Gì? Hồ Sơ Thủ Tục Thành Lập Công Ty Con để hiểu nhiều hơn. Xin Chân Thành Cảm Ơn!)

Bài Viết Nổi Bật Theo Danh Mục

Zalo