Luật Đầu Tư Số 67/2014/Qh13 | Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật

Giới Thiệu Xưởng Sản Xuất Gấu Bông Lâm Phát Đạt

Luật đầu tư 67 2014 qh13 (“Luật Đầu tư năm 2014”) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 bao gồm 07 chương, 76 điều. Luật Đầu tư năm 2014 có nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư. Luật đầu tư năm 2014 đã có những tác động tích cực đến môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Dưới đây chúng tôi xin tổng hợp và trích những nội dung chủ yếu của Luật Đầu tư (LĐT) năm 2014 để Quý Khách hàng cùng theo dõi.

Luật đầu tư là gì? Những hỗ trợ trong luật đầu tư như thế nào?
Luật đầu tư là gì? Những hỗ trợ trong luật đầu tư như thế nào?

1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ LUẬT ĐẦU TƯ 2014

Chương I bao gồm 08 Điều, từ Điều 01 đến Điều 08.

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); đối tượng áp dụng (Điều 2); giải thích từ ngữ (Điều 3); Áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế (Điều 4); Chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5); Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6); Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 7).

Luật Đầu tư năm 2014 đã xác định rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng LĐT năm 2014 và các luật liên quan. Tại Điều 4 Luật Đầu tư năm 2014 quy định hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư năm 2014 và luật khác có liên quan.

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật đầu tư năm 2014 và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (phụ lục 4 luật đầu tư 2014), trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.

Ngoài ra, LĐT năm 2014 đã phân định rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan khác nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể khái niệm đầu tư, dự án đầu tư, dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và các khái niệm về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, trên cơ sở luật hóa quy định tương ứng trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời bãi bỏ một số khái niệm không còn thích hợp, trùng lặp với quy định của luật khác hoặc không cần thiết để điều chỉnh một số nội dung của Luật (như khái niệm vốn nhà nước, chủ đầu tư, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp…).

Để cơ sở pháp lý áp dụng điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư theo LĐT 2014 đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật đầu tư năm 2014 đã sửa đổi khái niệm nhà đầu tư nước ngoài theo hướng thiết kế quy định này trên cơ sở quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam.

Nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Đầu tư năm 2014 thay thế khái niệm về hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT bằng khái niệm chung nhất về hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP. Theo đó, hợp đồng PPP gồm hợp đồng BOT, BTO, BT, và các hình thức hợp đồng khác được ký kết giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

2. BẢO ĐẢM ĐẦU TƯ TRONG LUẬT ĐẦU TƯ 2014

Chương II bao gồm 06 Điều, từ Điều 09 đến Điều 14.

Chương này quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư của Nhà nước Việt Nam đối với nhà đầu tư như Bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư (Điều 9), Bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài (Điều 11), Bảo đảm giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 14), Luật Đầu tư đã quy định một số nội mới cụ thể như sau:

  1. Bổ sung cam kết của nhà nước trong việc đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài (nguyên tắc đối xử tối huệ quốc) phù hợp với điều kiện và lộ trình quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Khoản 1 Điều 10). Quy định này nhằm cụ thể hóa cam kết của Việt Nam về đối xử tối huệ quốc theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
  2. Bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 1 Điều 13). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm để Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết trong WTO về việc không hồi tố các điều kiện đầu tư (phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).

Nguyên tắc không hồi tố là biện pháp bảo đảm đầu tư quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi gây xáo trộn hoạt động đầu tư của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này có liên quan đến thẩm quyền ban hành, điều chỉnh pháp luật.

Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của Luật và có thời gian hoàn thiện quy định về vấn đề này trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, LĐT năm 2014 giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục thực hiện.

Ngoài ra, để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014 đã bổ sung Khoản 4 về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư.

Theo đó, việc giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư thông qua trọng tài chỉ được thực hiện trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài theo hợp đồng giữa các bên tranh chấp hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRONG LUẬT ĐẦU TƯ 2014

Chính sách hỗ trợ đầu tư của luật đầu tư
Chính sách hỗ trợ đầu tư của luật đầu tư

Chương III gồm 02 mục và 07 Điều, từ Điều 15 đến Điều 21.

3.1 Ưu đãi đầu tư từ Điều 15 đến Điều 18 Luật đầu tư 67 2014 qh13

Mục này quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, mở rộng ưu đãi đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2014 khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư khi có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư và ưu đãi này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng (Điều 15).

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo cơ chế nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư năm 2014 để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được ghi ưu đãi đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 17).

Hình thức ưu đãi đầu tư tập trung vào ưu đãi về thuế và đất đai:

  1. Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
  2. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
  3. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Tại Điều 16 Luật đầu tư năm 2014 quy định về Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Luật Đầu tư năm 2014 đã hoàn thiện các quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo hướng tiếp tục khuyến khích các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai,…

Nhằm đảm bảo tính khả thi, minh bạch và đồng bộ giữa quy định của LĐT năm 2014 với quy định của pháp luật liên quan, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể trong Luật hiện hành, như: dự án sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng, v.v..

Luật Đầu tư năm 2014 quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm:

  1. Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  2. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

3.2 Hỗ trợ đầu tư từ Điều 19 đến Điều 21

Mục này quy định về hình thức hỗ trợ đầu tư, Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế

Luật Đầu tư năm 2014 tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2005 (như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo, dịch vụ đầu tư, v.v..), đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo hướng:

  1. Xác định rõ các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ một phần vốn ngân sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, KCX, KKT tại một số địa phương có địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  2. Tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KCX, KKT theo hướng yêu cầu các địa phương có KCN, KCX, KKT phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng cho người lao động,…

4. LUẬT ĐẦU TƯ 2014 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

Chương IV gồm 04 Mục với 29 Điều, từ Điều 22 đến Điều 50.

4.1 Hình thức đầu tư từ Điều 22 đến Điều 29 Luật đầu tư số 67 2014 qh13

Mục này quy định về các hình thức đầu tư tại Việt Nam bao gồm:

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22);
  2. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 23);
  3. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 24).
  4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Điều 27);
  5. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Điều 28).

Ngoài ra, mục này cũng quy định về hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

4.1.1 Về đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế quy định Điều 22

Nhằm xóa bỏ một số hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư, góp phần tạo mặt bằng pháp lý thống nhất về quyền thực hiện hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định một số nội dung sau:

  1. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế phù hợp với tất cả loại hình tổ chức kinh tế. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 1 Điều 22).
  2. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ với mức không hạn chế trong doanh nghiệp Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (Khoản 3 Điều).

Như vậy, theo các quy định nêu trên, trừ một số hạn chế về tỷ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã được đối xử bình đẳng với nhà đầu tư trong nước về quyền thực hiện hoạt động đầu tư.

4.1.2 Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần quy định tại Điều 25, Điều 26

Luật Đầu tư năm 2014 quy định quyền của nhà đầu tư trong việc góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, thủ tục được quy định. Doanh nghiệp nhận vốn góp hoặc bán cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014 cũng quy định cụ thể trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế gồm:

  1. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  2. Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 51%, nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

4.1.3 Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP quy định tại Điều 27

Luật Đầu tư năm 2014 bổ sung quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới/cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

4.1.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC quy định tại Điều 28

Điều 28 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng hợp tác BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các bên tham gia hợp đồng hợp tác BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận. Các quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định cụ thể trong hợp đồng.

4.2 Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư từ Điều 30 và Điều 35

Mục này quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 30); thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31); thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 32); hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 33 luật đầu tư); hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 34); hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 35).

4.2.1 Thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Điều 36 đến Điều 41

Mục này quy định về trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 36); thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 37); thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 38); nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 39); điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 40); thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 41).

Theo đó, tại Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014 quy định các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

  1. Dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài;
  2. Dự án của nhà đầu tư có vốn nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Có tổ chức kinh tế như trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế như trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

4.2.2. Triển khai dự án đầu tư từ Điều 42 đến Điều 50

Quy trình thủ tục đầu tư tại Việt Nam
Quy trình thủ tục đầu tư tại Việt Nam

Mục này quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điều 42); thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (Điều 43); giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (Điều 44); chuyển nhượng dự án đầu tư (Điều 45); giãn tiến độ đầu tư (Điều 46); tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư (Điều 47); chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (Điều 48); thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC (Điều 49); chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC (Điều 50).

Tại Điều 43 Luật đầu tư mới nhất – Luật đầu tư năm 2014 quy định thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm.

Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.

Tại Điều 44 Luật đầu tư năm 2014 quy định về việc giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ thì nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Mục này, Luật đầu tư năm 2014 quy định:

  1. Chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật
  2. Giãn tiến độ đầu tư, đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.
  3. Tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư do bất khả kháng thì nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.
  4. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp; Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư và một số trường hợp khác quy định tại Điều 48.

5. HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC QUY ĐỊNH CHI TIẾT TẠI CHƯƠNG V LUẬT ĐẦU TƯ 2014

Chương V gồm 04 Mục với 16 Điều, từ Điều 51 đến Điều 66.

5.1. Quy định chung từ Điều 51 đến Điều 53 Luật đầu tư nước ngoài tại việt nam 2014

Luật Đầu tư năm 2014 khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường, tăng năng lực xuất khẩu, thu ngoại tệ và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng (Điều 51).

Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2014 quy định những hình thức đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

  1. Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
  2. Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
  3. Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
  4. Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
  5. Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

5.2. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài từ Điều 54 đến Điều 56

Mục này quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 54); hồ sơ, trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 55); hồ sơ, trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 56).

Cụ thể, Điều 54 Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 05 ngày đối với dự án phải xin chủ trương đầu tư và 15 ngày đối với dự án không phải xin chủ trương đầu tư.

5.3. Thủ tục cấp, điều chỉnh và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ Điều 57 đến Điều 62

Mục này quy định cụ thể về: nước ngoài; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 58 Luật đầu tư năm 2014 bao gồm:

  1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định của pháp luật đầu tư;
  2. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
  3. Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án quy định phải xin chủ trương đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  4. Có quyết định đầu tư ra nước ngoài;
  5. Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Tư vấn đầu tư nước ngoài
Tư vấn đầu tư nước ngoài

5.4. Triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ Điều 63 đến Điều 66

Mục này quy định về việc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài (Điều 63); chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (Điều 64); chuyển lợi nhuận về nước (Điều 65); sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài (Điều 66).

6. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ

Chương VI gồm 6 Điều, từ Điều 67 đến Điều 72.

Chương này quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước với hoạt động đầu tư như: nội dung quản lý nhà nước về đầu tư; trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư; giám sát, đánh giá đầu tư; hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam; chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Luật Đầu tư năm 2014 – Luật đầu tư 2017 đã quy định thêm một số công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.

Tại Điều 70 Luật đầu tư năm 2014 thì hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư bao gồm:

  1. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong nước;
  2. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và nhà đầu tư có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan vào Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

Điều 71 Luật đầu tư năm 2014 cũng quy định cụ thể về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư bao gồm đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Theo đó đối tượng thực hiện chế độ báo cáo là Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan đăng ký đầu tư; nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT ĐẦU TƯ 2014

Chương VII gồm 04 Điều, từ Điều 73 đến Điều 76.

Điều 73 quy định về việc xử lý vi phạm như sau:

  1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh, có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhà đầu tư, không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Điều 74 Luật đầu tư năm 2014 quy định rõ như sau:

  1. Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trường hợp có yêu cầu, cơ quan đăng ký đầu tư cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
  2. Nhà đầu tư đã thực hiện dự án đầu tư trước ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thuộc trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định tại Luật đầu tư năm 2014.

– Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành trái với quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Luật đầu tư năm 2014 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2015.

Nếu Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung của Luật đầu tư năm 2014, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ ngay với Nhóm Chia Sẻ Ngành Luật để được hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết đôi khi sẽ có những quy định mới chưa được cập nhật. Quý Khách vui lòng liên hệ Công ty Luật để được tư vấn cụ thể.



Mô Tả Ngắn Bài Viết Luật Đầu Tư Số 67/2014/Qh13 | Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật

Luật đầu tư số 67/2014/qh13 là gì? Những quy định chung về luật đầu tư 2014? Quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục đầu tư (Hãy đọc toàn bộ bài viết Luật Đầu Tư Số 67/2014/Qh13 | Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật để hiểu nhiều hơn. Xin Chân Thành Cảm Ơn!)

Bài Viết Tổng Hợp Theo Danh Mục

Zalo