Bài viết đôi khi sẽ có những quy định mới chưa được cập nhật. Quý Khách vui lòng liên hệ Công ty Luật để được tư vấn cụ thể.

Nhượng Quyền Thương Mại Là Gì? Các Hình Thức Nhượng Quyền

Nhượng quyền thương mại (NQTM) (hay nhượng quyền thương hiệu – franchising) là một trong các hình thức kinh doanh, mở rộng quy mô doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định về hoạt động này.Rất nhiều khách hàng muốn thực hiện hoạt động kinh doanh này nhưng chưa nắm hết được các quy định của pháp luật. Để hỗ trợ khách hàng hiểu rõ hơn về hoạt động nhượng quyền, hãy cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là gì?

NHƯỢNG QUYỀN LÀ GÌ? ĐIỀU KIỆN NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 quy định:

Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Theo quy định trên, có thể hiểu rằng, NQTM được coi là một hoạt động thương mại, trong đó, bên nhượng quyền – công ty thương mại (franchisor) sẽ chuyển mô hình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo cho bên nhận quyền (franchisee). Vậy công ty thương mại là gì? Theo lý giải trên có thể hiểu công ty thương mại là công ty sở hữu các quyền thương mại có nhu cầu nhượng quyền.

Việc chuyển quyền này được thực hiện theo các điều kiện được thỏa thuận trước và có thể phải trả trước một khoản phí nhượng quyền và tỷ lệ phần trăm doanh thu định kỳ cho bên nhượng quyền trong một khoảng thời gian nhất định, tùy theo thỏa thuận của các bên.

Theo quy định tại Luật thương mại 2005 và Mục 1 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết luật thương mại 2005 về hoạt động NQTM cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện trên các nguyên tắc sau:

Điều kiện đối với Bên nhượng quyền:

“Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động thương mại tối thiểu 01 năm” (Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ công thương).

Vậy hoạt động thương mại là gì? Theo quy định trên, điều kiện “đã được hoạt động ít nhất 01 năm” áp dụng đối với hệ thống kinh doanh sẽ dùng để nhượng quyền. Thời điểm 1 năm là thời gian được tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh của cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của thương nhân, đồng thời cửa hàng và hệ thống kinh doanh đó phải triển khai hoạt động kinh doanh thực tế.

Các hoạt động mua bán, giao dịch cung ứng dịch vụ từ bên được nhượng quyền phải đi theo mô hình cơ bản mà bên nhượng quyền đang thực hiện. Các hoạt động này cũng cần phải gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

Bên nhượng quyền có quyền kiểm tra, khảo sát thậm chí khởi kiện và ngưng hợp đồng nhượng quyền khi có căn cứ cho rằng bên nhận nhượng quyền không thực hiện đúng các thỏa thuận trước đó, không theo đúng các nguyên tắc, quy chuẩn mà bên nhượng quyền yêu cầu. Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện kinh doanh không hiệu quả gây ảnh hưởng đến hàng hóa, dịch vụ nhượng quyền cũng là lý do mà Bên nhượng quyền chấm dứt hoặc khởi kiện Bên nhận nhượng quyền.

Đặc điểm của hoạt động nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Hoạt động nhượng quyền diễn ra ngày càng phổ biến. Xem xét tổng thể các quy định về nhượng quyền quy định tại Luật thương mại năm 2005 thì nhượng quyền thương hiệu có những đặc điểm sau:

Thứ nhất: Về đối tượng

Đối tượng là quyền thương mại. Như đã đề cập ở trên quyền thương mại được hiểu là quyền tiến hành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo cách thức của bên nhượng quyền quy định, cùng với đó là việc được sử dụng nhãn mác, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo…của bên nhượng quyền. Trong quan hệ nhượng quyền, nội dung cốt lõi chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng quyền thương mại của mình trong kinh doanh.

Thứ hai: Về mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận nhượng quyền

Giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết. Đây là một đặc điểm cơ bản của hoạt động nhượng quyền giúp phân biệt nhượng quyền thương mại với các hoạt động thương mại khác. Trong NQTM luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là NQTM hay không.

Tính mật thiết của mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ nhượng quyền. Kể từ thời điểm ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên phát sinh các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Theo đó, Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ bên nhận nhượng quyền để hiểu và triển khai được các hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ theo đúng quy chuẩn đặt ra.Cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, Bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống.

Thứ ba: Về tính kiểm soát trong hoạt động nhượng quyền

Trong nhượng quyền thương mại luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc thực hiện các công việc của bên nhận quyền. Mục đích của sự kiểm soát là để đảm bảo rằng, bên nhận nhượng quyền có đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm, cam kết trong hợp đồng hay không. Đồng thời, giúp Bên nhượng quyền kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm liên quan tới quyền thương mại của bên nhượng quyền.

Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền.

Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với Bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền năng này của bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ.

LỢI ÍCH, ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA VIỆC NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Việc NQTM đã thể hiện sự ưu việt so với nhiều hoạt động thương mại. Hoạt động nhượng quyền không chỉ góp cho “quyền thương mại” hay còn gọi là “thương hiệu” của bên nhượng quyền được mở rộng, trở nên nổi tiếng hơn và còn đem lại nhiều lợi ích cho bên nhận nhượng quyền, cụ thể như sau:

Ưu điểm

Đối với bên nhượng quyền:

– Bên nhượng quyền mở rộng được quy mô kinh doanh, phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối của mình một cách nhanh nhất. Mô hình kinh doanh, thương hiệu được mở rộng, khả năng tiêu thụ cao từ đó nâng cao được giá trị thương hiệu.

– Thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất. Tạo dựng cho một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính.

– Tận dụng nguồn lực “địa phương” để thâm nhập hiệu quả vào thị trường nội địa của các quốc gia đang phát triển mà không phải đối mặt với bất kỳ một rào cản thương mại hoặc pháp lý nào…

– Bước đầu khởi động xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, chuỗi hệ thống với chi phí tiết kiệm; giảm chi phí phát triển thị trường, phát triển thương hiệu mà còn có thêm nguồn thu từ khoản phí nhượng quyền thương mại.

Đối với bên nhận nhượng quyền:

– Được quyền kinh doanh một thương hiệu đã có uy tín với số vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều so với việc xây dựng được 1 thương hiệu tương đương và giảm thiểu các rủi ro so với việc đầu tư xây dựng một thương hiệu mới.

– Sản phẩm, dịch vụ và hệ thống hoạt động được chuẩn hóa, được đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn cách triển khai hoạt động kinh doanh, quy trình quản lý.

– Được hưởng các hỗ trợ từ các chương trình tiếp thị và khuyến mãi của thương hiệu, không phải bỏ thêm nhiều chi phí cho việc quảng bá thương hiệu.

Nhược điểm

Đối với bên nhượng quyền:

Đối với một số hình thức nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có thể mất quyền kiểm soát và quyền năng trong kinh doanh. Đặc biệt, trong trường hợp hoạt động của một bên nhượng quyền không hiệu quả/hoặc bên nhượng quyền cố ý không thực hiện theo đúng các nguyên tắc, quy chuẩn đã đặt ra có thể làm ảnh hướng đến uy tín thương hiệu, từ đó giảm đi sức hấp dẫn của thương hiệu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương hiệu.

Đối với bên nhận nhượng quyền:

Do việc nhận nhượng quyền được xây dựng trên cơ sở hợp đồng, hiểu đơn giản là nhận ủy quyền từ chủ sở hữu thương hiệu, nên không phải là thương hiệu riêng của mình. Trong trường hợp một thương hiệu uy tín thì sẽ có rất nhiều bên cùng nhượng quyền. Số lượng đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực tăng lên có thể khiến hoạt động kinh doanh không thực sự hiệu quả. Trường hợp, bên nhượng quyền khác làm ảnh hưởng đến thương hiệu thì cả hệ thống sẽ bị tác động.

Nhược điểm của nhượng quyền thương mại như thế nào?
Nhược điểm của nhượng quyền thương mại như thế nào?

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN VIỆT NAM

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật đã có những điều chỉnh liên quan đến hoạt động nhượng quyền. Tại Mục 8 về nhượng quyền thương mại, Luật thương mại năm 2005 đã có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ NQTM như sau:

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:

  1. Nhận tiền nhượng quyền;
  2. Tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
  3. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
  4. Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống NQTM cho bên nhận quyền;
  5. Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống NQTM;
  6. Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
  7. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
  8. Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống NQTM.

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:

– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương hiệu;

– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống NQTM.

– Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

– Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

– Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng NQTM kết thúc hoặc chấm dứt;

– Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống NQTM;

– Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

Các hình thức nhượng quyền thương mại hiện nay

Hiện nay có khá nhiều hình thức NQTM phổ biến mà doanh nghiệp có thể áp dụng, theo quy định của Luật thương mại năm 2005 thì có một số hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến như sau:

Nhượng quyền theo khu vực, lãnh thổ

Nhóm này được chia thành các nhóm nhỏ như sau:

– Nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam: Là hình thức mà các thương nhân là chủ sở hữu của các thương hiệu có mong muốn thâm nhập, mở rộng thị trường của họ tại Việt Nam, các thương hiệu lớn có thể kể đến như: KFC, McDonald’s,…

– Nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài: đây là hình thức mà các chủ thương hiệu tại Việt Nam có mong muốn phát triển thương hiệu của mình ra nước ngoài. Hình thức hợp lý nhất mà họ sử dụng là nhượng quyền. Các công ty nhượng quyền thương hiệu ở việt nam đã nhượng quyền thành công tại nước ngoài như: Trung Nguyên, Phở 24,…

– Nhượng quyền trong nước: cách này được hiểu các thương nhân trong cùng một lãnh thổ, một quốc gia thực hiện nhượng quyền.

Nhượng quyền thương mại theo tiêu chí hoạt động kinh doanh

Đây là tiêu chí được Dave Thomas, Michael Seid nêu trong cuốn “Franchise for Dummies”. Ông phân chia franchise thành các nhóm nhỏ sau:

– Nhượng quyền phân phối sản phẩm (product distribution franchise): Đây là hình thức mà người nhượng quyền cho phép người nhận quyền phân phối sản phẩm do bên nhượng quyền sản xuất, hoặc các dịch vụ của bên nhượng quyền trong một phạm vi khu vực và một khoảng thời gian nhất định.

Ở hình thức này, người nhận quyền sẽ không được sử dụng các cách thức kinh doanh mà bên nhượng quyền đang áp dụng, mà chỉ có thể sử dụng biểu tượng, tên nhãn hiệu, logo, slogan,… trong các hoạt động kinh doanh và quảng bá.

-Nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh (business format franchise): Đây là hình thức chuyển nhượng phổ biến nhất, còn gọi là nhượng quyền kinh doanh được đề cập tại quy định của Luật thương mại 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hình thức nhượng quyền này có nhiều điểm khác biệt so với các hình thức khác, bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được phân phối sản phẩm dưới thương hiệu của bên nhượng quyền và chuyển giao kỹ thuật kinh doanh, công thức điều hành quản lý và huấn luyện nhân viên cho bên nhận nhượng quyền.

Nhượng quyền theo mục tiêu phát triển, hoạt động.

Ở tiêu chí nhượng quyền thương mại này có thể chia làm các nhóm như sau:

– Franchise độc quyền (Master franchise): Đây là hình thức NQTM có thể nói phổ biến nhất giúp mở rộng và quảng bá thương hiệu. Ở hình thức này, chủ sở hữu thương hiệu sẽ chọn và chỉ định một đối tác địa phương tại quốc gia mà mình muốn xâm nhập làm đối tác (nhận nhượng quyền độc quyền), đối tác sẽ mua franchise độc quyền kinh doanh và phân phối thương hiệu được gọi là đại diện thương mại.

Vậy đại diện thương mại là gì? Đại diện thương mại – người nhận quyền có thể là một cá nhân hay một công ty, bên nhận quyền sẽ thanh toán một khoản phí cho bên nhượng quyền, tuy nhiên bên nhận quyền lại có quyền chủ động mở rộng cửa hàng hoặc nhượng lại cho những cá nhân, tổ chức trong phạm vi mình kiểm soát.

– Franchise vùng (Regional franchise): là hình thức nhượng quyền mà trong đó người mua sẽ nhận nhượng quyền từ người chủ thương hiệu hoặc người nhận nhượng quyền độc quyền để bán lại cho các người mua franchise nhỏ lẻ trong khu vực mà họ kiểm soát với những quy tắc, quy chuẩn mà họ đã thỏa thuận với bên nhượng quyền ban đầu.

– Franchise phát triển khu vực (Area development franchise): Hình thức nhượng quyền theo khu vực này giúp những người nhận quyền được độc quyền về thương hiệu trong một phạm vi và thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khác với việc nhận nhượng quyền độc quyền, đối tác nhận quyền phát triển theo khu vực không được bán lại franchise cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Để được độc quyền trong một khu vực nhất định, người nhận nhượng quyền phát triển khu vực phải trả một khoản phí nhượng quyền ban đầu.

– Franchise riêng lẻ (single-unit franchise): Hình thức nhượng quyền thương mại này phù hợp cho việc nhượng quyền lẻ trực tiếp cho từng đối tác tại nước ngoài và hình thức này chỉ thích hợp đối với các quốc gia nằm cùng một khu vực. Lợi thế của việc nhượng quyền riêng lẻ là chủ thương hiệu có thể làm việc trực tiếp và giám sát, kiểm tra được bên nhận nhượng quyền. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương thức này là chủ sở hữu thương mại phải có đủ một hệ thống quản trị, nhân sự để quản lý và giám sát.

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại bao gồm những giấy tờ nào?
Thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại bao gồm những giấy tờ nào?

Đối với hoạt động NQTM, trước khi tiến hành nhượng quyền, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại được quy định tại Nghị định 35/2006/ NĐ-CP và Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 05 năm 2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số nghị định của chính phủ quy định chi tiết luật thương mại, theo đó nhượng quyền trong nước là trường hợp không phải thực hiện thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại, nhưng hàng năm phải làm thủ tục thông báo tới Sở Công Thương theo quy định tại Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại (nay gọi là Bộ Công Thương).

Thủ tục liên quan đến đăng ký nhượng quyền thương mại được thể hiện chi tiết trong bảng sau:

Trước khi tiến hành nhượng quyền Trước khi tiến hành hoạt động NQTM, thương nhân dự kiến nhượng quyền, bao gồm cả dự kiến nhượng quyền ban đầu và dự kiến nhượng quyền thứ cấp, phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư 09/2006/TT-BTM.
Hồ sơ nhượng quyền Hồ sơ nhượng quyền tại Bộ 1.       Đơn đăng ký hoạt động NQTM theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;

2.       Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại bao gồm: thông tin chung về bên nhượng quyền, nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ, chi phí ban đầu bên nhận quyền phải trả, các nghĩa vụ tài chính khác của bên nhận quyền,…(theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM);

3.       Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp NQTM từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;

4.       Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

5.       Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

Trong trường hợp giấy tờ được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước. Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồ sơ nhượng quyền tại Sở 1.       Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;

2.       Bản giới thiệu về NQTM (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM);

3.       Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

4.       Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

5.       Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

Tiếp nhận hồ sơ đăng ký 1.       Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cơ quan đăng ký phải ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 03 liên theo mẫu TB-1A, TB-1B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM, 01 liên giao cho thương nhân đăng ký hoạt động NQTM và 02 liên lưu tại cơ quan đăng ký;

2.       Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản, theo mẫu TB-2A, TB-2B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM, cho thương nhân nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.

3.       Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bổ sung hồ sơ đầy đủ;

Thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có quyền đề nghị cơ quan đăng ký giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân.
Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại 1.       Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu S1, S2 và thông báo cho thương nhân biết bằng văn bản theo mẫu TB-3A, TB-3B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;

2.       Trường hợp từ chối đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối theo mẫu TB-4A, TB-4B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;

3.       Cơ quan đăng ký ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký hoạt động NQTM theo hướng dẫn như sau:

4.       Mã số hình thức nhượng quyền: NQR là nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, NQV là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, NQTN là nhượng quyền trong nước.

5.       Mã số tỉnh: 2 ký tự theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM.

6.       Mã số thứ tự của doanh nghiệp: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.

7.       Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.

Ví dụ về ghi Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:

Công ty A (đăng ký kinh doanh tại Hà Nội) là thương nhân thứ 3 đăng ký hoạt động nhượng quyền trong nước được ghi mã số đăng ký như sau: NQTN-01-000003.

Công ty B (đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bình Dương) là thương nhân đầu tiên đăng ký hoạt động nhượng quyền ra nước ngoài được ghi mã số đăng ký như sau: NQR-46-000001.

Đăng ký lại hoạt động nhượng quyền thương mại Trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước tại khoản 2 Mục I của Thông tư 09/2006/TT-BTM chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thương nhân có trách nhiệm đăng ký lại hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan đăng ký nơi mình chuyển đến. Thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 của Mục này.

Trong hồ sơ đăng ký phải có thêm thông báo chấp thuận đăng ký trước đây của cơ quan đăng ký nơi thương nhân đã đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại địa bàn mới, thương nhân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký trước đây để ra thông báo chuyển đăng ký theo mẫu TB-6C tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM.

Thông báo thay đổi thông tin đăng ký trong hoạt động nhượng quyền thương mại Khi có thay đổi về các thông tin chung về bên nhượng quyền, về hàng hóa/dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ trong bản giới thiệu về NQTM đã đăng ký hoặc các văn bản xác nhận tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương mại, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi, thương nhân phải thông báo cho cơ quan đăng ký nơi mình đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại về những thay đổi đó và gửi kèm tài liệu liên quan về những thay đổi này.

CÁC DỊCH VỤ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI CỦA CHÚNG TÔI

Với việc nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành và có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các đơn vị thực hiện nhượng quyền thương mại, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn quý khách hàng các dịch vụ như sau:

  1. Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến: điều kiện, thủ tục nhượng quyền thương mại, nhượng quyền lại cho bên thứ ba,…tư vấn về chiến lược và xu hướng nhượng quyền thương mại hot nhất hiện nay;
  2. Hỗ trợ thực hiện các thủ tục: soạn thảo hồ sơ, đăng ký hoạt động nhượng quyền, nhượng quyền lại cho bên thứ ba…Đại diện Quý Khách hàng làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý/giải quyết hồ sơ. Sửa đổi/bổ sung hồ sơ/nhận kết quả và bàn giao cho Quý Khách hàng;
  3. Hỗ trợ và tham gia cùng Quý Khách hàng đàm phán với đối tác/bên thứ ba để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của Quý Khách hàng;
  4. Tư vấn các quy định pháp luật có liên quan như Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh để đảm bảo tối đa quyền lợi của Quý Khách hàng và việc NQTM diễn ra đúng theo quy định pháp luật.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình cao lên đến 20%/năm, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng trở thành thị trường hấp dẫn để thực hiện các hoạt động nhượng quyền tại việt nam. Chắc chắn số lượng hệ thống nhượng quyền sẽ còn được mở rộng nhiều hơn nữa.

Nếu Quý Khách hàng đang có ý định nhượng quyền thương mại thì nên tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật trước khi thực hiện. Nếu còn bất kỳ thắc mắc như doanh nghiệp thương mại là gì? đầu tư thương mại là gì?… thì hãy liên hệ ngay với Nhóm Chia Sẻ Ngành Luật để được hỗ trợ tốt nhất.



Mô Tả Ngắn Bài Viết Nhượng Quyền Thương Mại Là Gì? Các Hình Thức Nhượng Quyền

Nhượng quyền thương mại (hay nhượng quyền thương hiệu - franchising) là gì? Là một trong các hình thức kinh doanh, mở rộng quy mô doanh nghiệp (Hãy đọc toàn bộ bài viết Nhượng Quyền Thương Mại Là Gì? Các Hình Thức Nhượng Quyền để hiểu nhiều hơn. Xin Chân Thành Cảm Ơn!)

Bài Viết Nổi Bật Theo Danh Mục

Zalo