Bài viết đôi khi sẽ có những quy định mới chưa được cập nhật. Quý Khách vui lòng liên hệ Công ty Luật để được tư vấn cụ thể.

Cách Tính Nguyên Giá Tài Sản Cố Định | Tư Vấn Kế Toán Thuế

Tài sản cố định là gì? Nguyên giá tscđ là gì? Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định là gì? Cách tính nguyên giá tài sản cố định thế nào?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để làm rõ các thắc mắc trên của khách hàng, sau đây chúng tôi xin phân tích và làm rõ các cách tính nguyên giá tài sản cố định trong bài viết: Cách tính nguyên giá tài sản cố định mới nhất – Tư vấn kế toán thuế.

Chúng tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi của khách hàng về: “cách hạch toán tài sản cố định, cách tính giá trị hao mòn tài sản cố định, cách tính khấu hao xe ô tô mới, cách xác định nguyên giá tài sản cố định, hạch toán lệ phí trước bạ xe ô tô, hạch toán mua xe ô tô, hạch toán mua tài sản cố định như thế nào?”

Hướng dẫn cách tính nguyên giá tài sản cố định
Hướng dẫn cách tính nguyên giá tài sản cố định

1. TÀI SẢN CỐ ĐỊNH LÀ GÌ?

Thế nào là tài sản cố định? Tài sản cố định (Sau đây gọi tắt là “TSCĐ”) theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 – “Tài sản cố định vô hình” có khái niệm như sau: “Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.” Theo chuẩn mực kế toán quốc tế số 38 – “Intangible assets” tài sản vô hình là các tài sản không thể xác định được chính xác giá trị về mặt tiền tệ và hình thái vật chất.

Căn cứ vào tính chất, mục đích sử dụng và quản lý thì tài sản cố định được chia thành ba loại chính là tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và tài sản cố định thuê tài chính.

Tài sản cố định gồm những gì? Quy định tài sản cố định hữu hình và quy định về tài sản cố định vô hình được ghi nhận tại Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ tài chính ban hành ngày 25/4/2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (Hay còn gọi là thông tư 45 tài sản cố định, thông tư 45 về tài sản cố định).

  1. Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…
  2. Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
  3. Tài sản cố định thuê tài chính: là những TSCĐ mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Phân loại TSCĐ gồm những thành phần nào?
Phân loại TSCĐ gồm những thành phần nào?

2. NGUYÊN GIÁ LÀ GÌ? NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH LÀ GÌ? TIÊU CHUẨN NHẬN BIẾT TÀI SẢN CỐ ĐỊNH?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC, nguyên giá TSCĐ được hiểu như sau:

  1. Nguyên giá TSCĐ hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
  2. Nguyên giá tài sản cố định vô hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.

2.1 Tiêu chuẩn tài sản cố định

Để nhận biết tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp dựa theo các tiêu chuẩn tài sản cố định sau: (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC):

  1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
  2. Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
  3. Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
  4. Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
  5. Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thỏa mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
  6. Đối với súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một TSCĐ hữu hình.
  7. Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của TSCĐ được coi là một TSCĐ hữu hình.

2.2 Tiêu chuẩn nhận biết đối với tài sản cố định vô hình

Tiêu chuẩn nhận biết đối với tài sản cố định vô hình là (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC):

  1. Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định hữu hình, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.
  2. Những khoản chi phí không đồng thời thỏa mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định hữu hình trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
  3. Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:
  4. Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
  5. Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
  6. Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
  7. Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
  8. Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
  9. Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
  10. Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

Lưu ý:

  1. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.
  2. Đối với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ đã ban hành trước Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp tài sản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định thì thực hiện phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 138/2012/TT-BTC ngày 20/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh đối với công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước.

3. CÁCH TÍNH NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH HỮU HÌNH

Chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc của khách hàng về: Cách tính hao mòn tài sản, cách tính tài sản cố định, hạch toán hao mòn tài sản cố định, hạch toán mua tài sản cố định, hạch toán điều chuyển tài sản cố định, quy định về đánh giá lại tài sản cố định, quy định trích khấu hao tài sản cố định mới nhất, quyết định đưa vào sử dụng và trích khấu hao TSCĐ, đánh giá tài sản cố định, định khoản tài sản cố định, giá trị còn lại của tài sản cố định, giá trị tài sản cố định là bao nhiêu?

Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một cách cụ thể:

Cách tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình
Cách tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình

Căn cứ các quy định tại Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC, chúng tôi xin đưa ra các phân tích cụ thể về cách tính nguyên giá tài sản cố định như sau:

3.1 TSCĐ hữu hình mua sắm

Khi mua sắm tài sản cố định hữu hình thì công thức tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình (mới hoặc cũ):

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua thực tế phải trả + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan

Trong đó:

  1. Các khoản thuế không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại
  2. Các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Lưu ý:

  1. Các chi phí để thực hiện việc đầu tư, nâng cấp tài sản cố định được ghi tăng nguyên giá của tài sản cố định đó, doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ;
  2. Các chi phí để thực hiện hoạt động sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá tài sản cố định. Trường hợp này được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

Trường hợp TSCĐ hữu hình mua trả chậm, trả góp, nguyên giá TSCĐ được tính theo công thức:

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan

Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất nguyên giá TSCĐ được tính như sau:

  1. Giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC;
  2. TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá TSCĐ được tính theo công thức

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua thực tế phải trả + Các chi phí liên quan

Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc hủy bỏ để xây dựng mới thì:

  1. Giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC;
  2. Nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
  3. Những tài sản dỡ bỏ hoặc hủy bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.

3.2 TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC, Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác là giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của TSCĐ đem trao đổi (sau khi cộng thêm các khoản phải trả thêm hoặc trừ đi các khoản phải thu về) cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ (nếu có).

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự là giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đem trao đổi.

3.3 TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất

Đối với TSCĐ tự xây dựng, nguyên giá TSCĐ là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

Đối với TSCĐ tự sản xuất, nguyên giá TSCĐ là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng (+) các chi phí lắp đặt chạy thử, các chi phí khác trực tiếp liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ hữu hình vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (trừ các khoản lãi nội bộ, giá trị sản phẩm thu hồi được trong quá trình chạy thử, sản xuất thử, các chi phí không hợp lý như vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác vượt quá định mức quy định trong xây dựng hoặc sản xuất).

3.4 TSCĐ hữu hình do đầu tư xây dựng

Nguyên giá TSCĐ do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành cộng (+) lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác. Trường hợp TSCĐ do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

Đối với tài sản cố định là con súc vật làm việc và/ hoặc cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì nguyên giá là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra cho con súc vật, vườn cây đó từ lúc hình thành tính đến thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng.

3.5 TSCĐ được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa

Nguyên giá tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp.

3.6 TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến

Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến bao gồm giá trị còn lại của TSCĐ trên sổ kế toán ở đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật, cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp mà bên nhận tài sản phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí thuê tổ chức định giá; chi phí nâng cấp, lắp đặt, chạy thử…

3.7 TSCĐ hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp

Đối với việc góp vốn bằng tài sản cố định, nhận lại vốn góp thì nguyên giá là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí; hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận; hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

4. CÁCH TÍNH NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÔ HÌNH

4.1 Tài sản cố định vô hình mua sắm

Nguyên giá tài sản cố định vô hình mua sắm được tính theo công thức:

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua thực tế phải trả + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan

Lưu ý:

  1. Các khoản thuế không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại;
  2. Các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra được tính đến thời điểm đưa tài sản vào sử dụng.

Trường hợp TSCĐ vô hình mua sắm theo hình thức trả chậm, trả góp, nguyên giá TSCĐ là giá mua tài sản theo phương thức trả tiền ngay tại thời điểm mua (không bao gồm lãi trả chậm).

Tài sản cố định vô hình mua sắm
Tài sản cố định vô hình mua sắm

4.2 Tài sản cố định vô hình mua theo hình thức trao đổi

Nguyên giá TSCĐ vô hình mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình không tương tự hoặc tài sản khác là giá trị hợp lý của TSCĐ vô hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi (sau khi cộng thêm các khoản phải trả thêm hoặc trừ đi các khoản phải thu về) cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

Nguyên giá TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự là giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đem trao đổi.

4.3 Tài sản cố định vô hình được cấp, được biếu, được tặng, được điều chuyển đến

Nguyên giá TSCĐ vô hình được cấp, được biếu, được tặng là giá trị hợp lý ban đầu cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến việc đưa tài sản vào sử dụng.

Nguyên giá TSCĐ được điều chuyển đến là nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp có tài sản điều chuyển. Doanh nghiệp tiếp nhận tài sản điều chuyển có trách nhiệm hạch toán nguyên giá, giá trị hao mòn, giá trị còn lại của tài sản theo quy định.

4.4 Tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp là các chi phí liên quan trực tiếp đến khâu xây dựng, sản xuất thử nghiệm phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ đó vào sử dụng theo dự tính.

Riêng các chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hoá, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết TSCĐ vô hình được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

4.5 Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất

TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất bao gồm:

  1. Quyền sử dụng đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất không thời hạn).
  2. Quyền sử dụng đất thuê trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với trường hợp này, nguyên giá TSCĐ là quyền sử dụng đất được xác định là toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp cộng (+) các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ (không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất); hoặc là giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.

Quyền sử dụng đất không ghi nhận là TSCĐ vô hình gồm:

  1. Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
  2. Thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê đất sau ngày có hiệu lực thi hành của Luật đất đai năm 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tiền thuê đất được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất.
  3. Thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì tiền thuê đất được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ tương ứng số tiền thuê đất trả hàng năm.

Đối với các tài sản là nhà hỗn hợp vừa dùng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa dùng để bán hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải xác định và hạch toán riêng phần giá trị của nhà hỗn hợp theo từng mục đích sử dụng, cụ thể như sau:

  1. Đối với phần giá trị tài sản (diện tích) tòa nhà hỗn hợp dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và dùng để cho thuê (trừ trường hợp cho thuê tài chính): doanh nghiệp thực hiện ghi nhận giá trị của phần tài sản (diện tích) là tài sản cố định, quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo quy định.
  2. Đối với phần giá trị tài sản (diện tích) trong tòa nhà hỗn hợp dùng để bán thì doanh nghiệp không được hạch toán là tài sản cố định và không được trích khấu hao và theo dõi như một tài sản để bán.
  3. Tiêu thức để xác định giá trị từng loại tài sản và phân bổ khấu hao tài sản đối với từng mục đích sử dụng được căn cứ vào tỷ trọng giá trị của từng phần diện tích theo từng mục đích sử dụng trên giá trị quyết toán công trình; hoặc căn cứ vào diện tích thực tế sử dụng theo từng mục đích sử dụng để hạch toán.
  4. Đối với các doanh nghiệp có nhà hỗn hợp mà không xác định tách riêng được phần giá trị tài sản (diện tích) phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa để bán, để cho thuê thì doanh nghiệp không hạch toán toàn bộ phần giá trị tài sản (diện tích) này là tài sản cố định và không được trích khấu hao theo quy định.
  5. Đối với các tài sản được dùng chung liên quan đến công trình nhà hỗn hợp như sân chơi, đường đi, nhà để xe việc xác định giá trị của từng loại tài sản và giá trị khấu hao các tài sản dùng chung cũng được phân bổ theo tiêu thức để xác định giá trị từng loại tài sản và phân bổ khấu hao nhà hỗn hợp

4.6 Tài sản cố định vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ

Nguyên giá tài sản cố định vô hình trong trường hợp này là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

4.7 Tài sản cố định là các chương trình phần mềm

Nguyên giá TSCĐ của các chương trình phần mềm được xác định là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra để có các chương trình phần mềm trong trường hợp chương trình phần mềm là một bộ phận có thể tách rời với phần cứng có liên quan, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

5. CÁCH TÍNH NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH THUÊ TÀI CHÍNH

Nguyên giá TSCĐ thuê tài chính phản ánh ở đơn vị thuê là giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản cộng (+) với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính;

Các câu hỏi chi tiết khác của khách hàng về nguyên giá tài sản cố định như nguyên giá xe ô tô bao gồm, ghi nhận tài sản cố định, kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp, khấu hao xe ô tô sẽ được chúng tôi giải đáp cụ thể qua tổng đài tư vấn.

6. THAY ĐỔI NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA DOANH NGHIỆP

Căn cứ khoản 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC, nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp chỉ được thay đổi trong các trường hợp sau:

Thứ nhất: Đánh giá lại giá trị TSCĐ trong các trường hợp

  1. Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
  3. Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Thứ hai: Đầu tư nâng cấp TSCĐ.

Thứ ba: Tháo dỡ một hay một số bộ phận của TSCĐ mà các bộ phận này được quản lý theo tiêu chuẩn của 1 TSCĐ hữu hình.

Lưu ý: Khi thay đổi nguyên giá TSCĐ, doanh nghiệp phải lập biên bản ghi rõ các căn cứ thay đổi và xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại trên sổ kế toán, số khấu hao luỹ kế, thời gian sử dụng của TSCĐ và tiến hành hạch toán theo quy định.

7. TẠI SAO DOANH NGHIỆP NÊN LỰA CHỌN DỊCH VỤ KẾ TOÁN CỦA CHÚNG TÔI?

7.1 Hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các công việc kế toán trong doanh nghiệp, cụ thể:

  1. Kế toán của công ty không có đủ kinh nghiệm làm việc để giải quyết những vấn đề khó, đang vướng mắc. Đồng thời, không thể phát hiện ra các sai lầm doanh nghiệp đang mắc phải;
  2. Kế toán của công ty không được làm việc chuyên môn thường xuyên nên hạn chế trong việc cập nhập quy định pháp luật mới. Trong khi đó, các quy định về kế toán, thuế thường xuyên thay đổi;
  3. Việc thường xuyên thay đổi nhân sự phụ trách công việc kế toán sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quản lý, theo dõi sổ sách kế toán;

7.2 Dịch vụ kế toán của chúng tôi

  1. Với đội ngũ kế toán trưởng, kế toán tổng hợp có chuyên môn nghiệp vụ tốt, nhiều năm kinh nghiệm thực tế, chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hệ thống kế toán.
  2. Chúng tôi luôn cam kết mang lại dịch vụ kế toán chuyên nghiệp, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí nhất;
  3. Các dịch vụ kế toán của chúng tôi rất đa dạng, bao gồm:
  4. Làm hồ sơ pháp nhân của doanh nghiệp với cơ quan thuế quản lý;
  5. Thực hiện thủ tục đặt in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn cho doanh nghiệp;
  6. Theo dõi, rà soát các hóa đơn, sổ sách kế toán, chứng từ kế toán của công ty;
  7. Kê khai, nộp các báo cáo thuế của doanh nghiệp như: thuế môn bài, thuế TNDN, thuế TNCN, GTGT;
  8. Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp;
  9. Lập báo cáo tài chính năm;
  10. Lập các báo cáo quyết toán thuế TNCN, TNCN năm;
  11. Hướng dẫn, tổ chức lưu trữ hồ sơ kế toán của doanh nghiệp;
  12. Tư vấn, giải đáp toàn bộ các thắc mắc kế toán khác của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ tư vấn kế toán.

Trên đây là toàn bộ các phân tích của chúng tôi về cách tính nguyên giá tài sản cố định theo quy định pháp luật hiện hành. Nhóm Chia Sẻ Ngành Luật hy vọng qua bài biết này, doanh nghiệp có thể biết được các cách tính tài sản cố định theo từng loại. Nếu bạn còn bất kỳ vướng mắc hoặc có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tư vấn kế toán của chúng tôi, hãy liên hệ lại để được hỗ trợ.



Mô Tả Ngắn Bài Viết Cách Tính Nguyên Giá Tài Sản Cố Định | Tư Vấn Kế Toán Thuế

Tài sản cố định là gì? Nguyên giá tscđ là gì? Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định là gì? Cách tính nguyên giá tài sản cố định thế nào? (Hãy đọc toàn bộ bài viết Cách Tính Nguyên Giá Tài Sản Cố Định | Tư Vấn Kế Toán Thuế để hiểu nhiều hơn. Xin Chân Thành Cảm Ơn!)

Bài Viết Nổi Bật Theo Danh Mục

Zalo