Bài viết đôi khi sẽ có những quy định mới chưa được cập nhật. Quý Khách vui lòng liên hệ Công ty Luật để được tư vấn cụ thể.

Kê Khai Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Khi Chuyển Nhượng Vốn Góp

Chuyển nhượng vốn là gì? Chuyển nhượng vốn góp có phải nộp thuế? Hướng dẫn kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn góp như thế nào?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hoạt động chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp diễn ra khá phổ biến và là nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi lại nhận được rất nhiều thắc mắc của nhiều Quý Khách hàng như chuyển nhượng cổ phần có phải nộp thuế, chi chuyển nhượng là gì? không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt?

Nhằm giải đáp những thắc mắc của Quý Khách hàng, chúng tôi xin tổng hợp và hướng dẫn các thủ tục về kê khai thuế khi chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong bài viết dưới đây.

Kê khai thuế chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp
Kê khai thuế chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp

1. CHUYỂN NHƯỢNG VỐN LÀ GÌ? CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP CÓ PHẢI NỘP THUẾ?

Căn cứ quy định Luật doanh nghiệp năm 2014 thì có thể hiểu chuyển nhượng vốn là hành vi của thành viên công ty TNHH/cổ đông công ty cổ phần tiến hành chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần góp vốn/cổ phần của mình trong công ty cho thành viên khác hoặc cá nhân, tổ chức khác không phải thành viên/cổ đông công ty.

Tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là một trong các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế và khoản thu nhập trên không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn chịu thuế thu nhập cá nhân gồm:

  1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác;
  2. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006.
  3. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp;
  4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ theo các quy định trên có thể thấy, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp tùy trường hợp.

2. QUY ĐỊNH VỀ KHAI THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TỪ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN

2.1 Nguyên tắc khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn

Tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của chính phủ quy định về đối tượng thực hiện nghĩa vụ kê thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần thực hiện theo các nguyên tắc sau:

  1. Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.
  2. Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế và khai thuế. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn là cá nhân thì chỉ khai thuế theo từng lần phát sinh không khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ.
  3. Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn tất nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
  4. Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện việc khai thay hồ sơ khai thuế của cá nhân”.

Doanh nghiệp khai thuế thay ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu của doanh nghiệp.

Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng vốn góp (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú) hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng vốn (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú).

2.2 Quy trình kê khai thuế tncn từ chuyển nhượng vốn

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

*) Hồ sơ khai thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn

Gồm:

  1. Tờ khai thuế TNCN chuyển nhượng vốn theo mẫu 04/CNV-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính (Nếu cổ đông tự kê khai) hoặc dùng Tờ khai thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn Mẫu 06/TNCN.
  2. Bản sao Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng chuyển nhượng vốn góp (tham khảo mẫu hợp đồng chuyển nhượng vốn góp công ty tnhh).
  3. Tài liệu xác định trị giá vốn góp theo sổ sách kế toán, hợp đồng mua lại phần vốn góp trong trường hợp có vốn góp do mua lại.
  4. Bản chụp các chứng từ chứng minh chi phí liên quan đến việc xác định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó.

Bước 2: Nộp hồ sơ kê khai thuế TNCN

Cá nhân, doanh nghiệp khai thay nộp hồ sơ khai thuế chuyển nhượng vốn góp tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có vốn góp chuyển nhượng.

Lưu ý:

  1. Cá nhân khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn có hiệu lực.
  2. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước thời điểm thực hiện thủ tục thay đổi về danh sách thành viên góp vốn theo quy định.
  3. Thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên Thông báo nộp thuế của cơ quan thuế.

Sau khi nhận được hồ sơ kê khai thuế của người nộp thuế thì Cơ quan thuế lập Thông báo số thuế phải nộp mẫu số 12-1/TB-TNCN gửi cho cá nhân (kể cả trường hợp không phát sinh số thuế phải nộp).

Nhận được thông báo tức là Quý Khách hàng đã chấp hành đúng quy định pháp luật về kê khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn.

3. KHAI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP KHI THỰC HIỆN THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN VỐN GÓP

3.1 Căn cứ khai thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp

Tại Khoản 7 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế quy định khai thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng vốn góp như sau:

– Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp được coi là một khoản thu nhập khác, doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn vào tờ khai quyết toán theo năm.

Trường hợp bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì nộp thuế theo từng lần phát sinh và kê khai theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC và quyết toán năm tại nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính (xem thêm thủ tục chuyển nhượng công ty tnhh 2 thành viên).

– Tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hoạt động chuyển nhượng vốn thì khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh.

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn góp có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn góp cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp thì các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ việc chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn, hoặc ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại hợp đồng chuyển nhượng vốn đối với trường hợp không phải chuẩn y việc chuyển nhượng vốn.

3.2 Quy trình kê khai thuế chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng vốn công ty tnhh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế đối với thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn bao gồm:

  1. Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn (tờ khai chuyển nhượng vốn theo Mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
  2. Bản chụp hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt các nội dung chủ yếu: Bên chuyển nhượng; bên nhận chuyển nhượng; thời gian chuyển nhượng; nội dung chuyển nhượng vốn; quyền và nghĩa vụ của từng bên; giá trị của hợp đồng; thời hạn, phương thức, đồng tiền thanh toán (tham khảo mẫu hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vốn góp).
  3. Bản chụp quyết định chuyển nhượng vốn của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
  4. Bản chụp chứng nhận vốn góp;
  5. Chứng từ gốc của các khoản chi phí.

Bước 2: Nộp hồ sơ khai thuế chuyển nhượng vốn, thuế chuyển nhượng vốn góp công ty tnhh

Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nơi doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển nhượng vốn đăng ký nộp thuế.

Trong trường hợp cần bổ sung hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn trong ngày nhận hồ sơ đối với trường hợp trực tiếp nhận hồ sơ; trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp nhận qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử.

4. KHAI THUẾ ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG CHỨNG KHOÁN

4.1 Quy định về khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

Tại Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định về các nguyên tắc khai thuế khi chuyển nhượng chứng khoán như sau:

– Cá nhân thực hiện chuyển nhượng chứng khoán của Công ty đại chúng giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân uỷ thác quản lý danh mục đầu tư khai thuế.

– Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:

  1. Cá nhân thực hiện chuyển nhượng chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế và khai thuế.
  2. Cá nhân thực hiện chuyển nhượng chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách các cổ đông không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông công ty khấu trừ thuế và khai thuế.

– Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên khai thuế theo từng lần phát sinh.

– Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán không có chứng từ chứng minh cá nhân thực hiện chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Khai thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán
Khai thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán

Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán khai thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp kê khai thay ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn thể hiện người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng chứng khoán.

4.2 Quy trình khai thuế khi chuyển nhượng chứng khoán

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:

  1. Tờ khai mẫu 04 CNV TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;
  2. Bản chụp của Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

Bước 2: Nộp hồ sơ kê khai thuế

Cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế từng lần phát sinh nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán mà cá nhân chuyển nhượng.

Một số lưu ý:

  1. Thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày mà hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.
  2. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách các cổ đông theo quy định.
  3. Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế.

5. HƯỚNG DẪN TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TỪ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN

5.1 Tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp

Như đã nêu ở trên, tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.

Theo đó, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

– Giá chuyển nhượng vốn được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

+ Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng vốn không bao gồm lãi trả góp, lãi do trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

+ Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở xác định giá thanh toán là không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền tiến hành kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.

Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng để tính thuế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, thuế chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty tnhh.

Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các đơn vị định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng vốn tại thời điểm chuyển nhượng.

Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.

*) Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:

+ Nếu là chuyển nhượng vốn thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

+ Nếu là phần vốn góp do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua vốn góp được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hạch toán chuyển nhượng cổ phần bằng đồng ngoại tệ và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chế độ kế toán có chuyển nhượng vốn bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm chuyển nhượng.

– Chi phí chuyển nhượng vốn góp là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận và chứng từ phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền).

Chi phí chuyển nhượng vốn góp bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

5.2 Tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán

Tại Điều 15 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng chứng khoán cập nhật chuyển nhượng mới nhất như sau:

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ = Giá bán chứng khoán – Giá mua của chứng khoán chuyển nhượng – Các chi phí có liên quan đến việc chuyển nhượng

Trong đó:

Giá bán chứng khoán xác định theo từng trường hợp như sau:

+ Đối với chứng khoán đã niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá bán chứng khoán là giá thực tế bán chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán các công ty không thuộc các trường hợp nêu trên thì giá bán chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.

Giá mua chứng khoán được xác định theo từng trường hợp như sau:

+ Đối với chứng đã khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá mua chứng khoán là giá thực mua chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán mua qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.

+ Đối với các chứng khoán mà không thuộc các trường hợp nêu trên: giá mua chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng là căn cứ tính thuế chuyển nhượng cổ phần chưa niêm yết.

Chi phí chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

Chi phí chuyển nhượng vốn bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; Các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng chứng khoán; Phí lưu ký chứng khoán theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và chứng từ thu của công ty chứng khoán; …

Doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. HƯỚNG DẪN TÍNH THUẾ TNCN TỪ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN

6.1 Tính thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp

Tại Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần, thuế tncn chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong công ty tnhh như sau:

Căn cứ để tính thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Trong đó:

a) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng chuyển nhượng vốn không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định khoản chuyển nhượng vốn góp (ấn định giá chuyển nhượng vốn) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Giá mua của phần vốn góp chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn. Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:

  1. Đối với phần vốn thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  2. Đối với phần vốn bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  3. Đối với phần vốn góp do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua vốn góp được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế.
  4. Đối với phần vốn góp từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.

Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau: Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng, các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng, các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn.

Xác định thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn
Xác định thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn

b) Thuế suất chuyển nhượng vốn

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

Cách tính thuế như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 20%

6.2 Tính thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán

Căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Trong đó:

a) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định = Giá bán chứng khoán – (Giá mua + Các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng)

*) Giá bán chứng khoán xác định theo từng trường hợp như sau:

  1. Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá bán chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
  2. Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá bán là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.
  3. Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá bán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá bán hoặc giá bán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá bán theo pháp luật về quản lý thuế.

*) Giá mua chứng khoán được xác định như sau:

  1. Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá mua chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
  2. Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá mua là giá ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng chứng khoán.
  3. Đối với chứng khoán mua qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.
  4. Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá mua là giá thực tế mua ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm mua.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá mua hoặc giá mua trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế.

Các chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh của hoạt động chuyển nhượng chứng khoán có hóa đơn, chứng từ theo chế độ quy định bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng, các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng, phí dịch vụ lưu ký chứng khoán và chứng từ thu của công ty chứng khoán, phí ủy thác đầu tư, phí quản lý danh mục đầu tư chứng khoán căn cứ vào chứng từ thu của đơn vị nhận ủy thác,…

b) Thuế suất và cách tính

*) Trường hợp áp thuế suất 20%

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% là cá nhân đã đăng ký thuế, có mã số thuế tại thời điểm làm thủ tục quyết toán thuế và xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán.

Riêng giá mua của chứng khoán được xác định bằng tổng giá mua bình quân của từng loại chứng khoán bán ra trong kỳ như sau:

Giá mua bình quân của từng loại chứng khoán bán ra = [(Giá vốn đầu kỳ + Giá vốn phát sinh trong kỳ) / (Số lượng chứng khoán tồn đầu kỳ + Số lượng chứng khoán phát sinh trong kỳ)] x Số lượng chứng khoán bán ra

*) Cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 20%

Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.

Trường hợp áp thuế suất 0,1%. Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp áp dụng thuế suất 20%.

*) Cách tính thuế:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%

Trên đây là các quy định liên quan đến thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp.

Nếu Quý Khách hàng còn chưa rõ nội dung nào hoặc còn thắc mắc chuyển nhượng cổ phần là gì hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ kê khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp, vui lòng liên hệ với Nhóm Chia Sẻ Ngành Luật để được giải đáp nhanh chóng và cung cấp dịch vụ tốt nhất.



Mô Tả Ngắn Bài Viết Kê Khai Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Khi Chuyển Nhượng Vốn Góp

Chuyển nhượng vốn là gì? Chuyển nhượng vốn góp có phải nộp thuế? Hướng dẫn kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn góp. (Hãy đọc toàn bộ bài viết Kê Khai Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Khi Chuyển Nhượng Vốn Góp để hiểu nhiều hơn. Xin Chân Thành Cảm Ơn!)

Bài Viết Nổi Bật Theo Danh Mục

Zalo